Có đôi ngày, Komnha dừng lại suy nghĩ…

Phải công nhận rằng thật sự Komnha rất chậm, chỉ được cái khá cẩn thận nên cũng tạm an ủi rằng cần cù bù thông minh.

Mỗi ngày cơm cháy từ xưởng về, Komnha đi lấy hàng, sợ lắm, mỗi cuốc xe máy cọc cạch chỉ dám chở tối đa vài thùng. Mà hẳn là Komnha phải được đào tạo bài bản lý thuyết và thực hành môn Vật Lý Ứng Dụng mới được cho đi lấy cơm nhé!


“Thùng phải để sao cho diện tích tiếp xúc với baga là nhiều nhất, lực tác động giữa các túi cơm cháy nằm đè lên nhau là bé nhất, các túi phải ngay hàng thẳng lối để tránh việc bị bể, cơm bị đè bẹp… Lực căng của dây ràng là bao nhiêu để thùng không bị ép, hỏng thùng, hỏng cơm”.

Ấy vậy mà lần nào chở về cũng trong tâm trạng hồi hộp…

Cơm cháy mà bị va đập, chèn ép dữ quá sẽ không còn tròn trịa, đầy đặn. Vậy thì chẳng còn đáng yêu nữa.

Bạn bè cứ bảo Komnha quan tâm thái quá, để ý những thứ tiểu tiết, không cần thiết… nhưng bản chất con người đã lỡ như thế, khó lòng ngó lơ.


Mấy đợt các cô chú dưới xưởng bận rộn, làm cơm vội hơn, y nhưng rằng lòng Komnha đau như cắt. Cơm bị làm nhanh hơn, nước mắm không được rưới đều, chà bông không rắc đều tay… Nhìn miếng cơm cháy, thương lắm!

Mỗi lúc như vậy, con người Komnha lại cực kỳ mâu thuẫn. Vừa mong cho cơm cháy bán được nhiều hơn, kéo theo đó là xưởng sản xuất sẽ hoạt động ổn định hơn, chính bản thân Komnha và anh em cũng sẽ tự tin hơn khi đưa cơm đến với khách hàng… Nhưng một phần nào đó trong Komnha lại thiết tha muốn những miếng cơm cháy được chăm sóc nhiều nhất có thể, nghĩa là chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian hơn cho một miếng cơm, đổ nhiều công sức hơn, dồn nhiều tâm huyết hơn vào từng công đoạn…

Để cân bằng tất cả những nhu cầu và lợi ích thật khó!
Ừ thì… Komnha vẫn luôn hi vọng rằng tất cả tấm lòng và năng lượng của người tử tế rồi sẽ đem đến những kết quả tốt đẹp.

Và bản thân Komnha sẽ không ngừng tử tế, không ngừng hi vọng!